Cha mẹ nên dạy con sống tự lập ở giai đoạn nào?

Cha mẹ nên dạy con sống tự lập ở giai đoạn nào?

Trong thực tế có rất nhiều cha mẹ vì thương con nên luôn chiều chuộng, bao bọc, không muốn cho con làm những công việc cá nhân nhỏ nhặt thường ngày. Khi còn bé thì nghĩ con còn nhỏ nên không để con làm bất cứ việc gì, khi lớn hơn một chút, con bắt đầu đi học thì muốn con tập trung vào việc học hành… Yêu con là bản năng của tất cả chúng ta, tuy nhiên với cách yêu này vô tình bố mẹ đã cướp đi của con những trải nghiệm, những công việc lẽ ra là trách nhiệm của các con đối với bản thân mình, vô tình làm mai một kỹ năng sống của các con trong giai đoạn nhận thức đầu tiên.

Chúng ta nên dạy các con tự lập từ giai đoạn nào?

Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, khi các bé bắt đầu có nhận thức như muốn đi vệ sinh, muốn tự đi giày để đi chơi, muốn uống nước khi khát… đây là giai đoạn bé đã có nhận thức, có nhu cầu và biết đòi hỏi, thay vì ngăn cản hay muốn làm cho con thì cha mẹ nên để các bé tự thực hiện những điều đó, cha mẹ chỉ hướng dẫn, hỗ trợ để giúp các bé thực hiện đúng cách. Cứ từng bước như thế, mọi hành động và những sự hướng dẫn của người lớn sẽ ngày càng đi sâu vào não của trẻ con, hình thành những thói quen và ý thức tự lập ngay từ những giai đoạn đầu tiên.  

Đây là giai đoạn hết sức quan trọng đối với các bé, nó là nền móng vững chắc cho các giai đoạn phát triển sau này, tránh việc khi các con lớn lên quen được nuông chiều, bao bọc, cung phụng và có lối sống ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ.

Sẽ thật tuyệt vời nếu ngay từ những giai đoạn đầu tiên con bạn đã có những sự tò mò và tự làm những việc mình muốn như tự đi vệ sinh, tự cầm thìa xúc cơm… mặc dù các bé sẽ làm tung tóe cơm nhưng cha mẹ cũng không nên ngăn cản con mà nên để bé tiếp tục làm, cha mẹ chỉ cần ngồi bên hướng dẫn, hỗ trợ cho bé để bé có thể học cách xúc thức ăn đến khi bé có thể tự làm thành thạo.

Nếu như con bạn không tò mò, không tự mình làm những điều đó thì cha mẹ sẽ chủ động hướng dẫn con, động viên con thực hiện để hình thành cho bé ý thức tự lập. Đây là những bước cơ bản đầu tiên, nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ tiếp xúc, làm quen, luyện tập với những công việc mà bé có khả năng tự thực hiện được thì khi lớn thêm một chút nữa sẽ rất khó để bắt đầu dạy bé.

Vì sao nên để trẻ sống tự lập ngay từ khi còn nhỏ?

Nếu ngay từ đầu cha mẹ không hướng dẫn, tạo điều kiện cho các con hình thành ý thức sống tự lập thì khi trẻ lớn lên thêm vài tuổi nữa cha mẹ sẽ phải càu nhàu rằng “lớn rồi mà những việc nhỏ nhặt này cũng không làm được” hay “tự mình làm đi”, yêu cầu các con như thế thì chẳng khác nào chúng ta đang xây nhà mà không cần móng.

Theo quan điểm của Bác sĩ và cũng là nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, có những thời điểm chỉ xảy ra đến một lần duy nhất trong đời trẻ, mà thời điểm đó cơ quan cảm thụ của các trẻ em trở nên nhạy cảm để tiếp thu những kích thích từ môi trường xung quanh. Việc hấp thu những kích thích trong giai đoạn này sẽ hình thành nên tính cách và con người của trẻ. Giai đoạn này được nhà giáo dục người Ý gọi là “thời kỳ nhạy cảm”.

Trong giai đoạn này trẻ thường có những dấu hiệu như muốn thể hiện mình muốn làm gì, đang tập trung hay hứng thú với một việc gì đó. Nếu như chúng ta bỏ qua, không hỗ trợ hoặc ngăn cản sẽ làm khả năng thành thục của bé chậm hơn hoặc làm giảm đi tinh thần học hỏi của các bé trong giai đoạn này.

Nếu cha mẹ muốn sau này mình nuôi con “nhàn nhã” thì hãy kiên nhẫn và dành thời gian theo dõi những nhu cầu, biến đổi tâm lý đến hành động của các bé và luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho các bé thực hiện một cách đúng đắn để hình thành ý thức sống tự lập và trau dồi được những kỹ năng sống cơ bản nhất các mẹ nhé.

Bài viết khác
Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *